Pages

Popular Posts

About

Được tạo bởi Blogger.

LATEST POSTS

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016
À ơi...
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru...

Văn học dân gian đã được truyền miệng như thế đấy, tất cả tâm tư tình cảm, mong muốn, khát vọng, những lời răn dạy về lẽ sống làm người, tất cả đã được cha ông ta truyền từ đời này qua lời khác bằng những lời hát ru như vậy, bằng những truyện cổ tích bà kể cho cháu nghe.

Kết quả hình ảnh cho văn học dân gian
Cái hay cái đẹp của văn học dân gian

Gập lại cuốn sách Văn học Dân gian cái hay, vẻ đẹp của Lê Xuân Mậu đã giúp tôi hiểu rõ hơn phần nào về kho tàng văn học ấy. Một kho tàng tri thức vô giá mang trong mình những lời dạy, lời đúc kết quý báu của bao đời dành cho các thế hệ sau. Dù nó được thể hiện dưới dạng văn vần, câu thơ, tục ngữ hay chỉ là bài đồng giao, câu đố. Thì những giá trị của nó dành cho con người là vô giá. Vậy mà sự tồn tại và cách đi của nó để có thể ăn sâu được vào tâm trí của từng người dân lại bằng con đường rất đơn giản: “truyền miệng”.

Một thể loại phải nhớ tới đầu tiên khi nhắc tới nền văn dân gian này là ca dao. Lời của ca dao không là lời của nhân vật cụ thể. Nên những giọng điệu tươi vui, hoan hỉ hay thương cảm, oán trách… của nó chỉ là những trạng thái cảm xúc, sắc điệu của tình cảm. Và những hình tượng nhân vật trong nó bao giờ cũng đem tính phiếm chỉ, không phải một cá nhân nào mà lại là bất kì ai trong hoàn cảnh đó.

Ví như một lời oán trách:

Nào khi anh bủng anh beo
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh khỏi anh lành
Anh vui duyên mới anh tình phụ tôi.

Hay là một lời cảnh tỉnh:

Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.

Cũng thật trùng hợp khi có cùng quan điểm với tác giả rằng ca dao đâu cần hoa mỹ mới hay. Vì hầu hết các bài ca dao chỉ sử dụng những ngôn ngữ tự nhiên – đời thường, không cầu kỳ hoa mỹ và rất giản dị, mộc mạc nữa. Vì khi được nghe những câu ca dao như vậy ta sẽ không phài tìm tòi, suy ý kiểu vòng vo, ám chỉ bóng gió xa xôi mà cảnh tình đã được suy diễn trực tiếp.

Thương anh hãy đứng xa xa
Con mắt anh liếc cũng bằng ba đứng gần.

Rất thẳng, thực và trực tiếp. Chẳng có gì là kín đáo, bóng gió nhưng những thấy được những mặt tinh vi của tình cảm được khêu gợi nếu ta có chút kinh nghiệm yêu đương và giao tiếp.

Một điều nữa mà ta thấy không thể thiếu được trong ca dao đó là ví von. Và chẳng thế mà khi ca dao hát lên mọi người vẫn thường nói là hát ví, hay cũng quen thuộc với cụm từ “ví ví von von”. Nhưng với cuốn sách tôi đã nhận được ví von ở ca dao gắn liền với thao tác so sánh trong tư duy hình tượng của người sáng tác, gắn liền với hoạt động liên tưởng:

Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Cũng có thể là một dạng nhân hóa:

Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở sách xem ngày làm ma.

Cố nhiên, do đặc điểm của ca dao và do yêu cầu được cộng đồng tiếp nhận của văn học dân gian nói chung. Những hình ảnh ví von tuy không phải là không có những hình ảnh mỹ lệ, nhưng nó vẫn có tính chất quen thuộc, ít xa lạ, ít mới mẻ. Và vì thế mà sức liên tưởng mạnh mẽ ở nhiều bài ca dao vẫn đầy sức hấp dẫn, những hình ảnh đẹp, những cảm xúc thẩm mĩ và kết quả nhân văn từ kết quả ví von.
Khi nhắc đến ca dao chắc hằn không ai không thể nhắc đến tục ngữ. Ở tục ngữ ta thấy được sự thể hiện về những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống, trong phẩm chất đạo đức của người Việt ta. Nhưng để có được cái hồn ấy, tục ngữ lại có hình hài, da thịt đầy vẻ hấp dẫn. Và cái hay vẻ đẹp của ngôn từ cũng chính là cái duyên của tục ngữ. Khi nghe và đọc nhiều câu tục ngữ khác nhau, ta thấy được việc sử dụng những ngôn ngữ tài hoa như vậy là không hiếm. Có những từ ngữ sử dụng rất sáng tạo, gợi cảm và gây nhiều bất ngờ.

Cái nết đánh chết cái đẹp.

Hay:
Gió đông là chồng lúa chiêm, gió bấc là duyên lúa mùa.
Cũng rất nhiều từ đồng âm hay đa nghĩa được sử dụng rất tinh tế trong tục ngữ. Như câu “chó đen giữ mực”, hay “được voi đòi tiên” đã có sự tồn tại của các từ địa phương đồng âm với từ dùng trong ngôn ngữ toàn dân.

Không những vậy ta còn biết đến tục ngữ không chỉ có một nghĩa. Nghĩa đen – nghĩa bóng là sự phân biệt thông thường với các nghĩa có thể có ở một câu.

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
Chuyện nghĩa đen nghĩa bóng ở tục ngữ thường được sử dụng là không có gì mới, nhưng không ít khi ta lại phải phân vân để phân tích khi như một chuyên gia.

Cái hay ở tục ngữ là vốn quý không chỉ về đạo lý, về kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên và con người mà còn là một kho kiến thức dùng ngôn ngữ cho mọi người và nói theo.

Những hình ảnh khi còn bé vẫn cùng chúng bạn chạy quanh, hát những bài đồng giao của tôi lại hiện về khi được gặp lại những bài hát đó trong cuốn sách. Tôi cũng chẳng ngờ được từ những bài đồng giao đó đã dạy tôi cách nói năng. Nó đã giúp tôi phát âm chính xác âm “N” như khi bày chơi “Nu na nu nống, cái cống nằm trong, cái nong nằm ngoài…” Hay tôi đã biết thêm các bài vè về các loài cá, loài chim hay những loài hoa rồi đến cả các tháng trong năm.

Tháng giêng là gió hây hây
Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
Tháng ba gió đưa nước lên
Ôi! Những bài đồng giao với ca từ mộc mạc, đơn giản. Vậy mà lại dạy được tôi những điều hay đến thế, vừa học vừa chơi một sự kết hợp đầy tinh tế cho cái tuổi ăn tuổi chơi trong những ngày thơ ấu.
Không chỉ dừng lại ở những bài đồng giao mà chính tôi có thể đọc vanh vách lúc còn nhỏ, khi mà chưa biết được đến các mặt chứ i, t. Tuổi thơ tôi còn được lớn lên cùng những câu đó dân gian đầy hứng thú bên những ổ rơm khi cả gia đình tôi quây quần.

Sừng sững mà đứng góc nhà
Ai mà động đến là òa khóc ngay (Cối xay thóc)

Hay
Hai gươm tám giáo, mặc áo da bò, thập thò cửa lỗ. (Con cua)

Đã làm tôi phải nhảy lên vì những câu trả lời nhận được mà trong khi vò đầu bứt tóc cũng chẳng ra. Những câu đố vui, không khó nhưng lại cần tài quan sát, phát hiện để sao tránh khỏi được những cú “lừa” tinh tế. Những câu đố tương tự của mọi người dành cho tôi đã giúp tôi lớn lên nhiều và đó cũng là vũ khí lợi hại của tôi dành cho những người bạn nhí của mình, chí ít là cái thời ngây ngô khi được hồ hởi mang bút, phấn đến lớp học vỡ lòng tại trường làng.

Văn học Dân gian là một kho tàng tri thức vô giá. Thật rộng lớn cho tôi để có thể hiểu hết về nó. Nhưng với tôi khi gập lại cuốn sách thì những câu đố tinh quái, bài đồng giao với đa dạng chủ đề hay những câu ca dao, câu vần vè mượt mà đã ăn sâu trong tôi từ thủa ấu thơ lại được khuấy động và sục sôi hơn nữa. Và những bài học từ những câu ca dao, tục ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm quý báu của cha ông sẽ mãi là kim chỉ nam cho tôi trong cuộc sống, một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc.

Thanh Duy
Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016
Văn học Việt Nam trước năm 1975 là một nền văn học mang xu hướng chiến tranh nhân dân với những câu chuyện ngợi ca tinh thần chiến đầu và lao động của nhân dân ta. Đó có thể là những ca khúc hào hùng, cũng có khi sâu lắng nhưng lúc nào cũng tràn đầy hy vọng vào tương lai. Sau năm 1975, văn học có xu hướng hiện thực hóa nhiều hơn.
Kết quả hình ảnh cho văn học việt nam sau năm 1975 đến nay
Văn học Việt Nam sau năm 1975
Đó là đánh giá của các nhà nghiên cứu về thế hệ nhà văn sau năm 1975 - “công nhân đầu tiên mở con đường mới” cho văn học Việt Nam sau chiến tranh. Dù đã có nhiều hội thảo về văn học đổi mới, nghiên cứu của cá nhân hoặc nhóm, nhưng hội thảo khoa học quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975 do Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28.4, lần đầu tiên, đối tượng này được tập trung nhìn nhận đánh giá, nhằm khẳng định vị trí của họ trong vai trò đổi mới và cách tân văn học Việt Nam.

Sau hơn 40 năm, việc đánh giá diện mạo và thành tựu của thế hệ nhà văn 1975 - thế hệ chủ lực của văn học thời Đổi mới được quan tâm, nhằm nhận diện sự vận động của lịch sử văn học nước nhà. Ngày 7.5, hội thảo khoa học Thành tựu văn học Việt Nam 30 năm đổi mới sẽ được Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tổ chức. Một hội thảo tương tự do Hội Nhà văn chủ trì, đi vào cùng chủ đề, sẽ diễn ra trong tháng 6, nhằm tổng kết giai đoạn chuyển mình quan trọng của văn học Việt Nam.

Thệ hệ nhà văn sau 1975 từng được gọi là “thế hệ hậu chống Mỹ”, “thế hệ hậu chiến”, “thế hệ đổi mới”… PGS.TS. Đỗ Lai Thúy cho rằng, trước hết, đó có thể hiểu là những người cầm bút xuất hiện, công bố tác phẩm chỉ từ sau năm 1975, nhất là từ sau Đổi mới và Mở cửa (1986). Đa số họ viết theo tinh thần của giai đoạn này. Thứ hai là những nhà văn của giai đoạn trước, nay tiếp tục sáng tác. Một số từ giã lối viết cũ, thậm chí còn mở đầu cho lối viết mới, nhưng đa số vẫn vẫy vùng thẩm mỹ ở vùng quen thuộc. Thứ ba là những người có tác phẩm đã viết ở giai đoạn trước, nhưng không được in, vì “vượt trước thời đại”, nay họ vừa sáng tác vừa công bố những tác phẩm “bỏ ngăn kéo” của mình. Như vậy, văn học sau 1975 gồm nhiều thế hệ cầm bút, trong đó những nhà văn chỉ xuất hiện từ sau 1975 là quan trọng nhất.

Theo TS. Chu Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thế hệ nhà văn không đơn giản là tổng số cá nhân. Nhìn nhận một thế hệ, bởi thế cũng không phải là phép mô tả lần lượt từng người viết, mà phải nhìn vào gương mặt nghệ thuật chung của cả lớp người. Hình dung về một thế hệ không đơn giản như tiêu chí tuổi tác, thời điểm xuất hiện trước hay sau năm 1975, mà tiêu chí cốt lõi là thế hệ ấy đã kiến tạo giá trị thẩm mỹ thời mình hay chưa, nếu chưa làm được điều này thì họ chỉ có thể là sự tiếp nối của chặng trước, hoặc tiền đề của chặng sau.

Thế hệ nhà văn sau 1975, với lực lượng đông đảo và hùng hậu, không phải chặng nào cũng có được, đã kiến tạo giá trị thẩm mỹ của mình, dù cho đến nay chưa phải đã hoàn chỉnh. Từ mỹ học thời chiến sang mỹ học thời bình, từ mỹ học ca ngợi kháng chiến, theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, sang quan tâm tới số phận con người, giá trị phổ quát của nhân loại, tra vấn và đối thoại với hiện thực. Ở thời chiến, đối tượng họ quan tâm là mô tả con người - công dân, còn thời bình, họ đào sâu vào đời sống bản thể, cá thể. Họ thay đổi toàn bộ quan niệm, cái nhìn về con người, đời sống và cùng với đó là lối viết hoàn toàn khác, làm nên khác biệt với chặng văn học trước.

“Khúc rẽ” của văn học

Thế hệ nhà văn sau 1975, đặc biệt phần lớn nở rộ, được chú ý từ những năm 1980 trở đi, bởi khi ấy, xuất bản sách được mở rộng, các góc nhìn về đời sống, con người đã dần thay đổi, sự đón chào của bạn đọc... “Trong cuộc cách tân đó, văn xuôi tiên phong. Sau cuộc “bạo động” về thi pháp của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, thì văn xuôi đã không thể viết như trước. Cuộc bứt phá đa dạng và liên tục về thi pháp đã được châm ngòi, tiếp ứng hàng loạt cây bút như Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Thuận… Tuy sau một chút, nhưng thơ bao giờ cũng hoàn tất cho một cuộc “đảo chính” về thi pháp với Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… Lề lối kiến tạo thế giới nghệ thuật như tượng trưng, siêu thực, huyền ảo, kinh dị, viễn tưởng, dã sử, cổ tích, giả cổ tích… được huy động với các kỹ thuật tự sự hiện đại xâm nhập vào văn xuôi, kỹ năng trữ tình tân kỳ hấp thụ từ cả Đông lẫn Tây được nhập tịch vào thơ” - TS. Chu Văn Sơn nhận định. Nhiều thể loại mới bùng nổ, và ngay trong những thể loại quen thuộc, thì hình thái thể loại cũng hoàn toàn khác trước. Nếu hình dung lịch sử văn học như cuộc chạy tiếp sức thì đường chạy của họ đang dồi dào, dù chặng này đã xuất hiện khá nhiều gương mặt của lớp kế tiếp.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Có thể không có những tác giả được vinh danh thế giới, nhưng thế hệ nhà văn sau 1975 là “khúc rẽ” của văn học Việt Nam. Họ đã làm nên giọng nói và ngôn ngữ của họ, tương ứng với ngôn ngữ, giọng nói của thời đại, ở đó hòa bình, kết thúc chiến tranh, con người bắt đầu ngồi xuống suy nghĩ về cá nhân mình và những người bé nhỏ ở bên cạnh mình. Văn học đã chuyển sang thế giới khác, sâu hơn, rộng hơn, đi sâu vào số phận con người nhưng cũng chạm đến đại lộ rộng lớn của nghệ thuật muôn thuở.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Lê Thủy)