Pages

Popular Posts

About

Được tạo bởi Blogger.

LATEST POSTS

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016
Ngày ấy vào đời nhà Trần có một cụ đồ nho ở xã Quang Liệt tên là Chu Văn An. Học vấn của cụ sâu và rộng. Cũng vì tiếng tăm của cụ truyền khắp mọi nơi nên học trò xa gần đến học rất đông. Về sau nhà vua nghe tiếng, vời cụ về Kinh giao cho trông nom trường Quốc tử giám và dạy thái tử học. Cụ để nhà lại cho vợ con rồi đi nhậm chức. Nhưng được hơn một năm đã thấy cụ chống gậy trở về. Cụ bảo mọi người rằng:

- Ta không thể chịu được với bảy tên quyền thần dối vua hại nước?

Từ đó người ta thấy cụ trở lại nghề dạy học. Lần này những người đến xin "nhập môn" đông vô kể. Cả một cái gò cao ở xóm Văn phải dựng thêm ba bốn mái nhà nữa mới đủ chỗ để chứa học trò. Nhà trong xóm chật ních những anh đồ nho, đủ mặt người kinh, người trại. Đó là chưa kể những người ở quanh vùng hàng ngày cơm đùm cơm gói đi về học tập. Trong số học trò của cụ có hai anh em con vua Thủy tề. Nghe tiếng cụ đồ, vua Thủy tề cũng cho con lên học. Ngày ngày hai anh em đến bờ sông trút lốt thuồng luồng ở nước rồi lên đất, nói năng cử chỉ không khác gì người trần. Một hôm cụ đồ đang chấm bài thì anh trưởng tràng đến kể cho biết rằng sáng hôm nay, khi chưa rõ mặt người, anh có việc đi chợ huyện, đến cầu Bưu tình cờ thấy từ dưới sông có hai người đi trên mặt nước tiến vào bờ:

- Đúng là hai anh em nhà Gàn thầy ạ? Con đầu tiên sợ nhưng cũng cố đi theo. Quả nhiên họ vào đây. Thầy bảo bây giờ nên làm thế nào? Cụ đồ gật gù đáp:

- Con cứ để yên mặc họ, con ạ! Nếu là quỷ thần mà họ chuộng đạo thánh hiền thì lại càng hay chứ sao! 

Năm ấy vùng Thanh Đàm trời làm đại hạn. Suốt từ cuối năm ngoái cho đến tháng Hai năm nay không có lấy một giọt mưa. Đồng ruộng nứt nẻ. Mấy đám lúa, đám ngô cứ héo dần. Thấy mọi người nhao nhác, cụ đồ sốt ruột không kém. Một chiều kia sau buổi học, cụ đồ lưu hai anh em chàng Gàn ở lại rồi bảo:

- Thầy muốn các con thương đến dân một chút.

Hai anh em làm bộ ngơ ngác không nói gì. Thấy họ còn giấu mình, ông cụ nói:

- Các con bất tất phải giấu. Thầy đã biết cả. Bây giờ đây chỉ có các con là cứu được dân sự. Các con hãy làm mưa cho họ nhờ. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau, hồi lâu bảo cụ:

- Dạ, nhưng hiềm vì sông hồ đều có lệnh "phong bế" cả thì lấy đâu ra nước bây giờ.

Cụ khẩn khoản:

- Các con cố nghĩ thử xem có thể lấy nước ở đâu được không. Không cứu được nhiều thì ta hẵng tạm cứu ít vậy! Hai anh em ngần ngừ hồi lâu rồi chỉ vào nghiên mực đặt trên án thư, bảo cụ đồ:

- Dạ, oai trời thì rất nghiêm nhưng lời của thầy thì rất trọng. Chúng con xin vâng lời thầy. Chúng con sẽ dùng nước ở nghiên mực này tạm thấm nhuần trong một vùng vậy. Cụ đồ mừng rỡ chạy lại án thư bê cái nghiên mực lớn còn đầy nước và cả quản bút lông của mình thường dùng, đưa cho họ. 

Hai anh em đỡ lấy rồi cả ba người cùng tiến ra bờ sông. Đến nơi họ xắn ống tay áo rồi sau đó em bưng nghiên mực, anh cầm quản bút nhúng mực vẩy lên trời nhiều lần. Đoạn họ vứt cả nghiên lẫn bút xuống nước, cúi vái cụ đồ rồi biến mất. Đêm hôm ấy quả nhiên mây mù tối tăm rồi mưa một trận như trút. Cụ đồ vừa mừng vừa sợ, suốt đêm chạy ra chạy vào không ngủ. Sáng dậy, điều mà ai nấy đều lấy làm lạ là nước chỉ lênh láng suốt mấy cánh đồng trong vùng Thanh Đàm mà thôi. Hơn nữa sắc nước chỗ nào chỗ ấy đều đen như mực. Trận mưa đêm hôm đó quả cứu vớt được biết bao nhiêu là ruộng lúa, ruộng ngô và các hoa màu khác. Dân vùng Thanh Đàm lại vui vẻ như xưa. 

Nhưng lúc đó ở thiên đình, các thiên thần đều lấy làm lạ về một trận mưa bất ngờ. Ngọc Hoàng nổi giận sai một thiên thần đi tìm bắt cho được thủ phạm trị tội. Và cả hai anh em đều không thoát lưới trời nghiêm ngặt: cả hai đều rơi đầu dưới lưỡi búa của thần sét. Xác của họ hiện nguyên hình là hai con thuồng luồng song đầu một nơi mình một nẻo, giạt vào gậm cầu Bưu.

Cụ đồ nghe tin rất thương xót. Cụ khóc và cụ bắt tất cả học trò đưa đám chôn hai con thuồng luồng. Khăn áo hôm ấy trắng phau cả một bờ sông. Xác hai con vật được chôn cất một cách tử tế ở bên cầu và cũng đắp thành nấm như mộ của người. Cái nghiên mực của cụ đồ Chu An sau đó trôi về làng Quỳnh Đô làm đen cả nước đầm ấy, ngày nay người ta vẫn quen gọi là đầm Mực. Còn quản bút thì lại trôi về làng Tó cho nên các cụ thường truyền rằng nhờ thế làng Tó tức là làng Tả Thanh Oai bây giờ, có lắm người họ hành đỗ đạt. Còn chỗ ngôi mộ hai con quái vật tức là hai anh em thuồng luồng sau đó người ta lập miếu thờ, ngày nay vẫn còn có tên là miếu Gàn.
Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016
su tich ho gươm ho hoan kiem
SỰ TÍCH HỒ GƯƠM

   Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Bấy giờ, ở vùng Lam-sơn nghĩa quân đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác, Thấy vậy, đức Long quân quyết định cho họ mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.

   Hồi ấy ở Thanh-hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ. Thận thả lưới ở một bến vắng như thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá. Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả câu ở một chỗ khác.

   Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba vẫn là thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:

 - Ha ha! Một lưỡi gươm!

   Thận về sau gia nhập quân đoàn khởi nghĩa Lam-sơn. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở một xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người đều không biết đó là báu vật.

   Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lơi rút lấy chuôi gươm giắt vào lưng.

   Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Lê Lợi bèn kể lại câu chuyện. Mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với chủ tướng:

 - Đây là thần có ý phó thác cho "minh công" làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo "minh công" và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!

   Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoàng trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Họ không phải trốn tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.

   Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi - bấy giờ đã là một vị thiên tử - cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:

 - Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!

   Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi. Cho đến khi gươm và rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dười mặt nước hồ xanh.

   Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền báo ngay cho họ biết:

 - Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.

   Và từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn-kiếm
Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016
sự tích con cá he
SỰ TÍCH CÁ HE
Nguyễn Đổng Chí

Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả các kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa được thành chính quả. Sư bụng bảo dạ: "Phải đến đất Phật một phen mới có hy vọng thành Phật". Nghĩ vậy, sư ta quyết chí tìm đường sang Tây Trúc. Đường đi từ nước nhà sang Tây Trúc thuở đó thật muôn phần vất vả. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ trên con đường mịt mùng thăm thẳm thì mỗi bước là một hiểm nguy. Nhưng nhà sư trẻ tuổi vẫn quả quyết nhằm hướng Tây khởi hành. 

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi. Hễ dứt bệnh là chàng lại tiếp tục cuộc hành trình. Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa, một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít:

-Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng đâu. Sư đáp:

-Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi. Bà cụ bảo:

-Chao ôi! Con ta vốn là ác Lai hay ăn thịt người. Cố đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó. Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay y lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Đoạn, bà cụ chất củi phủ lá rất kín đáo. Trời tối hẳn thì ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang. Hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

-Có mùi thịt mẹ ạ! Mẹ hắn đáp:

-Thì chả thịt mày mang về đấy là gì?

-Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người. Bà cụ chưa kịp can thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về phòng mình. Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy ác Lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

-Mày đi đâu? 

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường bèn tỉnh táo đáp:

-Tôi đi tìm Phật.

-Tìm để làm gì? Sư bấy giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, nói mãi, kể lại bao nhiêu nỗi gian truân dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt đức Phật để Phật độ cho thành chính quả. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi, sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên "vô sinh vô diệt", sẽ sống một đời sống bội phần sung sướng trên Nát-bàn, nếu họ nhất quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác mới đó giờ đã dịu lại. Sáng hôm sau, khi sư sắp sửa lên đường thì mẹ con ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng. Họ lại tiễn đưa sư sang tận bên kia một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, ác Lai hỏi:

-Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây? Sư đáp:

-"Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm". Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ. Sư không ngờ ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói:

-Nhờ hòa thượng đưa hộ dâng lên đức Phật. Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng sư ta đành nhìn vào cặp mắt của ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của con người đáng thương đó lại và quảy lên vai, cất bước ra đi. Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, biển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát. Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng sư lại chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của đức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì đáng ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối từ bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư đã bọc nó ba tầng bốn lớp mà mùi thối vẫn nồng nặc. Sư lẩm bẩm: "Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình". Qua ngày hôm sau, không thể chịu nổi nữa, sư bèn vứt bộ lòng ác Lai xuống biển. Nhà sư đi mãi rồi cũng đến Tây Trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng: "Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả". Sư rất đỗi kinh ngạc, cố ngước mắt nhìn lên một tí. Trên cao vòi vọi, sư thấy đức Phật ngự giữa tòa sen sáng chói, sau lưng có bóng dáng hai người tựa hồ như hai mẹ con ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi; còn mẹ con ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ trong một lúc, ngộ đạo mau lẹ và chân thành. Sư nằm phục vị hồi lâu, lòng thẹn thò vô kể. 

Nhà sư ta sau đó lại trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển mênh mông sâu thẳm, nhưng sư cũng cố lặn ngụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà ác Lai gửi cho mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con ác Lai và hy vọng tới gần tòa sen đức Phật. Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he, cũng gọi là cá nược hay có nơi gọi là cá ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con ấy có cái đầu trọc như đầu ông sư và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn không chịu nghỉ. Những người đánh cá còn nói loài cá he rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem.
-- Hết --
Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016
Ngày xưa, có một người nhà quê rất hiền lành lấy phải một người vợ độc ác. Nhà còn một mẹ già, bà cụ lại khắc khổ lắm điều thành hai bên mẹ chồng, nàng dâu cứ lục đục xô xát luôn, không mấy khi được yên ổn, vui vầy trong gia đình. Người chồng lấy làm bực mình ngao ngán. Anh ta đã dụng tâm, lắm lúc vắng vợ, thì có lời phải chăng nói với mẹ, luc' vắng mẹ, thì hết sức khuyên răn vợ. Nào ngờ luống công vô ích. Trong nhà thật chẳng còn được chút gì hòa khí, mà mỗi ngày lại càng thêm khó chịu hơn. Đôi bên xung khắc kịch liệt, rút lại chỉ một mình anh chồng ở giữa là khổ. Anh ta bèn nghĩ ra một kế, rồi một hôm ra chợ mua một con dao bầu thật lớn, đem về cứ mài mài, liếc liếc mãi. 

Vợ lấy làm lạ hỏi. Anh ta chẳng nói chẳng rằng. Dao mài xong lại cất đi. Cách vài hôm sau lại đem dao ra mài nữa. Vợ hỏi anh ta cũng nhất định không nói. 

Năm ba lần như thế, vợ quyết hỏi cho ra lẽ, anh ta mới chịu nói: "Tôi mài dao đây chỉ định hễ có dịp là thịt mẹ đấy thôi. Mình tính xem mẹ bây giờ đã già, chẳng chết trước cũng chết sau, thế nào cũng chết một lần. Nếu cứ để mẹ sống ở đời, nay to tiếng cùng mình, mai cãi cọ cùng mình, ngày kia bới móc chửi rủa mình, mình tuy phận dâu con, mình cũng chẳng chịu, đôi bên thành ra bất bình xô xát với nhau để xóm giềng người ta sỉ vả tôi. Tôi không sao chịu được. Tôi phải tính cho xong mẹ thì tôi mới được yên vui cùng mình, vợ chồng ta mới hòng có lúc sung sướng". Chồng nói như thế làm cho vợ phải suy nghĩ rồi đâm ra hối hận. Và từ hôm đó, đổi cả tâm tính, cả cách cư xử với mẹ chồng, không còn gì là ngang ngạnh nữa. 

Chồng thấy thế đã mừng lòng. Đợi ít lâu, chồng lại mang dao ra mài. Mài đi mài lại thật sắc, rồi thử đi thử lại đôi ba lần. Vợ thấy vậy trong lòng nôn nao, người run lẩy bẩy. Một lát chồng gọi lại bảo: "Hôm nay tao phải ăn thịt mẹ đây". Rồi săm săm đến gần chỗ mẹ nằm làm bộ như định giết mẹ thật. Chị chàng hốt hoảng, vội vàng chạy theo giữ lại: "Thôi tôi trăm lạy mình, nghìn lạy mình. Trăm tội, nghìn tội là ở nơi tôi cả, chớ không ở như mẹ già. Mình đừng làm thế mà oan uổng mẹ cả đôi tạ Từ rày tôi xin tu tỉnh lại và hứa rằng không còn một điều gì to tiếng với mẹ nữa". 

Rồi quả nhiên từ hôm đó, trong nhà hòa thuận vui vẻ, nàng dâu ăn ở với mẹ chồng quý hóa hơn là con gái đối với mẹ đẻ vậy. 
-- Hết --